TÂN LẬP TEA -Đưa thương hiệu chè Mộc Châu vươn ra thế giới

Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập Mộc Châu (Sơn La) triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường để xuất khẩu, đưa cây chè thành cây mũi nhọn, đem lại nguồn thu nhập ổn định, bền vững cho người trồng chè.

Người trồng chè có thu nhập ổn định

Nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) được thiên nhiên ưu đãi khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, thổ nhưỡng phù hợp cho cây chè sinh trưởng, phát triển tốt. Từ nhiều nay, cây chè được xem như một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của hàng nghìn hộ dân ở huyện Mộc Châu (Sơn La).

Trong chuyến công tác về với cao nguyên Mộc Châu lần này, chúng tôi may mắn được gặp bà Hoàng Thị Thúy, Chủ tịch HĐQT HTX sản xuất kinh doanh chè Tân Lập (Mộc Châu, Sơn La). HTX chè Tân Lập là một trong những đơn vị đưa cây chè tại Mộc Châu trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của người dân nơi đây.

Hợp tác xã chè Tân Lập cùng nông dân làm giàu - Ảnh 2.
Vùng chè nguyên liệu của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Nhấc ly chè với hương vị đậm đà, đặc trưng của cao nguyên mời chúng tôi bà Thúy chia sẻ: Cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với các điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu rất thích hợp cho cây chè phát triển. Hiện nay, huyện Mộc Châu có tổng diện tích chè 1.879 ha, sản lượng chè búp tươi trên 24.350 tấn. Cây chè đã trở thành loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế của Mộc Châu, hàng nghìn hộ dân đã có cuộc sống ổn định, ấm no nhờ cây chè.

Với HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập Mộc Châu tại xã Tân Lập được thành lập năm 2003, với 7 thành viên chính thức và 350 hộ thành viên liên kết sản xuất. Là Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh chè đã được gần 20 năm, HTX hiểu rõ tầm quan trọng của vùng nguyên liệu.

Hiện HTX áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và định hướng hữu cơ trên tổng diện tích gần 86 ha, các sản phẩm chính như chè xanh shan tuyết, chè shan cổ thụ, chè shan đặc biệt, chè bát tiên đặc biệt, chè bát tiên với hương vị thơm, ngon, nước màu xanh tự nhiên, vị chát dịu, được đánh giá cao trên thị trường bởi khách hàng và các chuyên gia.

“Các vùng chè sản xuất theo hướng hữu cơ HTX, do vậy, vùng chè này đã dừng toàn bộ phân hóa học và thuốc trừ sâu. Bón hoàn toàn phân vi sinh và nếu có sâu thì cũng phun thuốc sinh học. Ở khu này chúng tôi cũng chưa phải phun mà chè phát triển tốt, bền vững. Có được sản phẩm chè như này đó là sự nỗ lực của bà con và HTX đưa ra được sản phẩm chè tốt nhất”, ” bà Thúy nói.

Hợp tác xã chè Tân Lập cùng nông dân làm giàu - Ảnh 3.
Thành viên Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập Mộc Châu (Sơn La) đang thu hái chè. Ảnh: Văn Ngọc

Dẫn chúng tôi đến bản Dọi, xã Tân Lập đây là nguyên liệu chính của HTX có tới 55 ha chè. Bà Thúy cho biết: Hiện nay, 100% số hộ thành viên vẫn duy trì hái chè bằng phương pháp thủ công và được lựa chọn kỹ lưỡng từng búp chè đạt tiêu chuẩn. Để người nông dân yên tâm lao động sản xuất, HTX hỗ trợ về phân bón, cam kết thu mua chè búp tươi của thành viên, hộ thành viên và người dân trên địa bàn với giá ổn định; tổ chức các buổi tuyên truyền, giao lưu trao đổi kinh nghiệm phương thức phát triển cây chè đạt tiêu chuẩn tạo dựng vùng nguyên liệu sạch hướng tới vùng chè hữu cơ an toàn.

Chị Hà Thị Kim Oanh, bản Dọi, xã Tân Lập, Mộc Châu, Sơn La chia sẻ: Gia đình tôi có hơn 2  ha chè được HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập Mộc Châu liên kết hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bao tiêu sản phẩm. Hiện gia đình tôi mỗi năm thu hoạch được hơn 10 tấn chè búp tươi, thu nhập trên 70 triệu đồng. 

“Đảm bảo được búp chè tươi ngon thì gia đình tôi đã kết hợp với HTX chè. HTX đã giúp đỡ gia đình tôi phân, thuốc phun đảm bảo thời gian cách ly nên chúng tôi có chè thơm ngon hơn”. chị Oanh nói.

Hợp tác xã chè Tân Lập cùng nông dân làm giàu - Ảnh 4.
Chè Mộc Châu cho nước màu xanh tự nhiên, hương thơm nhẹ nhàng, vị dịu, ngọt đậm đặc trưng. Ảnh: Văn Ngọc

Cũng theo bà Hoàng Thị Thúy, Chủ tịch HĐQT HTX sản xuất kinh doanh chè tân lập; HTX sản xuất kinh doanh chè Tân Lập có 350 hộ thành viên liên kết. Tất cả các hộ đều được HTX cung ứng vật tư nông nghiệp và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Chính vì vậy bà con luôn yên tâm lao động sản xuất, cùng HTX giữ gìn vùng nguyên liệu.

Dù công nghệ phát triển bà con vẫn kiên trì hái chè bằng tay để giữ nguyên được hương vị trà cao nguyên. Những búp chè tươi mơn mởn không chỉ bởi nó chắt chiu được tinh túy của vùng đất có khí hậu ôn hòa mà còn được nâng niu bởi bàn tay những người dân yêu lao động, yêu vùng chè quê hương. 

Hợp tác xã chè Tân Lập cùng nông dân làm giàu - Ảnh 5.
Hợp tác xã chè Tân Lập cùng nông dân làm giàu - Ảnh 6.
Hợp tác xã chè Tân Lập cùng nông dân làm giàu - Ảnh 7.
Nhờ liên kết trong phát triển chè, nhiều hộ nông dân trồng chè trên địa bàn huyện Mộc Châu (Sơn La) có thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Song song với việc áp dụng quy trình trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX đã đầu tư nhà máy sản xuất rộng hơn 1.000 m2, hệ thống máy móc hiện đại như máy sao chè, máy đóng gói hút chân không, bảo đảm tự động hóa đến 70% công đoạn sản xuất, công suất chế biến với sản lượng 25 tấn chè búp tươi/ngày.

Năm 2020, HTX có 2 sản phẩm chè Shan, trong đó, chè bát tiên được công nhận đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Đến nay, đã có hàng nghìn tấn chè thành phẩm của HTX được xuất khẩu sang thị trường Afghanistan, Pakistan. Doanh thu năm 2022 của HTX đạt 45 tỷ đồng.

“HTX chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc và thực hiện đầy đủ các giai đoạn kiểm định chất lượng từng sản phẩm thường niên, làm hồ sơ công bố sản phẩm, đăng ký bảo hộ thương hiệu logo của HTX, thực hiện quy trình hồ sơ in mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng website riêng để quảng bá thương hiệu, thông tin sản phẩm của HTX; xây dựng hệ thống đại lý giới thiệu sản phẩm tại huyện Mộc Châu, thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận”, bà Thúy nói.

Hợp tác xã chè Tân Lập cùng nông dân làm giàu - Ảnh 8.
Hợp tác xã chè Tân Lập cùng nông dân làm giàu - Ảnh 9.
Hiện nay, sản phẩm chè của Hợp tác xã chè Tân Lập được xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài. Ảnh: Văn Ngọc

Chủ động liên kết sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập Mộc Châu đã và đang từng bước khẳng định vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Cùng với đó, hàng năm HTX tạo việc làm ổn định cho 60 công nhân là người địa phương với mức lương từ 5 – 7 triệu đồng/tháng; dành khoảng 25% lợi nhuận đóng góp cho công tác xã hội tại địa phương.

Với những kết quả đã đạt được, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập Mộc Châu tiếp tục duy trì sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, dần chuyển đổi sang định hướng hữu cơ; nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo được an toàn thực phẩm; đẩy mạnh liên kết chế biến; tiêu thụ nông sản; nâng cao thu nhập cho thành viên, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Chuyên mục: Biểu dương 63 Hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc 2023– Báo Dân Việt

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shopping Cart